Chuyện Thi Nại Am viết Thủy Hử

17/01/2024

Người ta sinh ra 30 tuổi mà chưa lấy vợ, không nên lấy vợ nữa; Bốn mươi tuổi chưa ra làm quan, không nên làm quan nữa; Năm mươi tuổi không nên ngồi ró ở nhà; Sáu mươi tuổi không nên chơi vung bốn bể. Tại làm sao? Đánh đùng đã trái thời, thì việc không còn mấy.

Mặt trời mới mọc, vội vội vàng vàng, rửa mặt mũi, sửa khăn áo, ăn cơm uống nước, xúc miệng xỉa răng. Các việc xong rồi, đứng dậy hỏi đã trưa chưa? Trưa lâu rồi vậy. Từ sáng đến trưa như vậy, từ trưa đến tối khác chi? Một ngày như thế, ba vạn sáu nghìn ngày còn có lấy gì làm khác. Lấy thế mà lo mà nghĩ, thì còn gì là thú ở đời?

Lạ cho người đời thường nói:

"Ta ngày nay đã chừng ấy tuổi". Ôi! Hai chữ "Chừng ấy" tức là chứa chất bao nhiêu năm rồi mới thành ra. Nhưng những năm chứa đó, ta có thể đem ra mà đếm lại được hay không?

Mới hay cái ta đã qua rồi, đều đã biến đi đâu cả. Mà không những thế, ngay như ta viết câu này, thì những câu ta viết trước đây, đều đã vụt biến mất cả. Đó mới thực đáng đau lòng.

Cái việc khoái chí không gì bằng bạn, cái khoái chơi bạn không gì bằng truyện. Ai không chịu là như thế? Nhưng nào có được nhiều đâu? Có khi gió lạnh, có lúc mưa lầy, có lúc ốm đau, có khi không gặp, bao nhiêu lúc đó, thực là như ở trong tù.

Nhà ta ruộng chẳng có bao, phần nhiều cấy lúa để riêng nấu rượu. Ta không uống mấy, nhưng đề phòng cho bạn ta xơi. Nhà ta cửa liền sông lớn, mái có cây to bóng mát, là nơi bạn ta lui tới ngồi chơi. Trong nhà những người thổi nấu dọn dẹp, chỉ có bốn người lão tỳ, ngoài ra nuôi thêm mười tám trẻ nhỏ, để tiện ta sai khiến thư từ.

Những khi nhàn rỗi, thường dạy chúng bó chổi dệt chiếu, chổi để quét nhà, mà chiếu để trải ra cho bạn ta ngồi.

Bạn ta có thể tất cả được 16 người, nhưng những ngày họp mặt tất cả rất ít. Không phải gió mưa ngăn trở, song cũng không mấy ngày là không ai đến. Có đến chăng cũng chừng độ sáu bảy người.

Các bạn ta đến cũng không uống ngay, muốn uống là uống, không muốn thì thôi, để tùy ý bạn, vì không lấy rượu làm vui, mà lấy truyện làm vui vậy.

Bạn ta nói chuyện, không nhắc tới việc triều đình, cũng vì đường sá xa xôi, phần nhiều là những tin đồn, tin đồn không đích, đã không đích thì chẳng qua nghe hơi nồi chõ mà thôi. Cũng không nói tới lầm lỗi của người. Người đời nguyên không có gì là lầm lỗi, không cần ta phải đơm đặt làm chi. Những lời nói ra không cần cho ai kinh sợ, mà người ta cũng không kinh sợ. Không phải không muốn cho người ta hiểu, nhưng người ta cũng chẳng hiểu nào. Vì là những việc ở trong tính tình, phần nhiều người đời mang bách, cũng chẳng buồn nghe.

Bạn ta đã toàn là những hạng điềm đạm thông minh, thì những việc phát minh đâu đâu cũng gặp, nhưng mỗi ngày nói xong lại bỏ không ai biên chép bao giờ. Có lúc cũng muốn biên chép cho thành sách để tặng cho người sau, nhưng đến nay cũng vẫn là không có. Chỉ vì: một là lòng hiếu danh đã hết, hai là lời nói cốt để cầu vui, làm sách thì tâm càng khổ, ba là sau khi chết rồi, sách kia ai đọc, bốn là những việc làm năm nay, sang năm tất hối.

Truyện Thủy Hử này có 71 quyển, là là những lúc bạn ta về cả, phần nhiều là dưới đèn viết đêm, và một phần nhỏ là gió mưa tầm tã, không ai đi tới với mình. Những là kinh doanh trong lòng, lâu ngày thành tập, không cần vuốt giấy cầm bút rồi mới viết ra. Vì là dưới nơi bóng chiều xế giậu, trong lúc chăn đắp năm canh, và những khi cúi kéo dây lưng, ngửa trông vạn vật đều đã nhận cả rồi. 

Hoặc có kẻ hỏi:

- Đã nói không soạn thành sách, vậy cớ sao lại có chuyện này? Thì đó há không phải là cuốn truyện này, thành ra không có tiếng tăm gì, không thành cũng không có gì thiệt hại, là điều thứ nhất. Bụng nhàn viết thử, mở quyển tự vui, là điều thứ thứ nhì. Không cứ hiền hay ngu, không ai không đọc được, là điều thứ ba. Văn chương hay dở, chuyện nhỏ không đủ bận lòng, là điều thứ tư.

Than ơi! Nghĩ ra thực đáng thương thầm, 
                Kiếp sinh phỏng độ trăm năm là cùng

Ta biết đâu người sau đây đọc đến sách ta, sẽ bảo ra sao? Hãy biết ngày nay đưa trình bạn ta, bạn đọc mà vui, thế là đã đủ?

Và chưa biết cái thân sau của ta, đọc đến sách này, sẽ bao ra sao? Mà cũng chưa biết thân sau của ta có lại đọc đến sách này hay không? Cái đó phỏng ta nghĩ ngợi làm chi?

ĐÔNG ĐÔ, THI NẠI AM tựa

(Bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải)