Một giấc mơ hồ - hành trình biến thái của một kiến trúc sư trong vắt
13/03/2024
Đọc Một giấc mơ hồ phỏng vấn kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp, khiến tôi nhớ tới câu chuyện thế này:
"Có một nhà vua rất thích hoa cúc, nên sai một vị quan vẽ hoa ấy.
Hôm sau, vua hỏi tranh, vị quan nói rằng thần chưa vẽ được, để vẽ được hoa, ngoài nhìn ngắm, còn phải cảm nhận được hoa.
Vua suốt ruột, ba ngày lại đến hỏi tranh, quan trả lời vẫn chưa vẽ được, để cảm nhận được hoa, cần phải sống cùng hoa.
Ba tháng sau, vua đến, thấy vị quan thơ thẩn bên những khóm hoa, nhìn thấy vua, vị quan vẫn lắc đầu, vua về cung và không nhắc tới chuyện đó nữa.
Ba năm sau, vị quan đến xin vua thứ lỗi vì không thể nào vẽ được hoa cúc. Vua nói, khanh không cần phải vẽ nữa, nhìn khanh như một đóa hoa cúc rồi"
Người kiến trúc sư trong Một giấc mơ hồ cũng giống như vị quan vẽ hoa cúc đó.
Sự mơ hồ
Cuốn sách khiến tôi ấn tượng bởi khái niệm mơ hồ nói chung và trong kiến trúc nói riêng.
Chủ động tiếp nhận sự mơ hồ khiến cho thế giới của người kiến trúc sư rộng lớn hơn, bơi mãi, chạy mãi đến thoát vị đĩa đệm cũng chưa hết tiềm năng của sự sáng tạo, khai mở những ý tưởng mới để người kiến trúc sư hết lần này lần khác trải nghiệm trạng thái dòng chảy khi thiết kế.
Sự mơ hồ khẳng định cái không thể nghĩ bàn của thế giới đầy những mâu thuẫn, khiến cho ta giằng xé trước những lựa chọn, rồi chấp nhận và trở nên khiêm tốn hơn khi nhận ra sự giới hạn trong tâm trí của mình, để rồi không ngừng khám phá, nhìn nhận bản thân, như một người tu tập.
Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, sự mơ hồ này xuất phát từ sự hiểu biết, như lời của nhà văn Italo Calvino "Cần có một sự chính xác và tỉ mỉ rất cao, một sự chú ý kỹ lưỡng vào từng bố cục và từng chi tiết, vào việc lựa chọn đối tượng, vào ánh sáng và bầu không khí, tất cả để đạt tới mức độ mơ hồ mà mình mong muốn".
Soi chiếu bản thân
Quá trình làm nghề của anh, từ công trình lớn, tới công trình nhỏ, từ việc đưa ra các mục tiêu, rồi thay đổi cách mục tiêu, những quyết định, những ngã rẽ, cuối cùng đề để lại những suy tư về bản thân, về thế giới.
Những trăn trở của anh ở từng công trình cả hay cả dở, cho thấy hành trình lược bớt cái tôi cá nhân, hướng tới cái ta rộng lớn; dần dần thả lỏng với những tiêu chuẩn bề ngoài về cái đẹp đẽ và hướng dần vào những thứ thực tế bên trong như cảm nhận sự bình yên hạnh phúc của người ở và cả người thi công công trình.
Khiến tôi không khỏi suy nghĩ rằng anh đang tu tập, tôi thấy triết lý của người kiến trúc sư có nhiều nét Đạo học phương đông, nhưng anh ít khi nhắc đến, và khẳng định rằng mình nhiều chỗ không hiểu được Đạo phật.
Hơn cả nghề nghiệp
Một kiến trúc sư nổi tiếng, với những công trình được giải quốc tế, với những hợp đồng khủng, nhưng đó không phải là đích đến, mà chỉ là hệ quả của quá trình công phu tu luyện đến mức ám ảnh.
Có những thời điểm anh, liên tục ở văn phòng làm việc 2 ngày mới về nhà để tắm rửa lúc 4h sáng, sáng ra lại lên văn phòng, thỉnh thoảng bạn thân đến tận chỗ làm chở anh đi cắt tóc.
Anh thường trở lại công trình của mình, ngồi đó cảm nhận, lúc đó, anh mới đánh giá nó thành công hay không. Đôi khi anh đàm phán với chủ nhà để sửa công trình đã hoàn thành, vì anh thấy không ổn, dù ngại phiền hà và sợ tốn kém.
Khi bàn giao công trình, vào ban đêm, giám sát công trình cầm đèn để soi những mảng tường chưa phẳng, anh thấy bắt bẻ nhau quá, làm khổ nhau bằng những việc không đáng, nên chuyển sang làm tường gồ ghề.
Ngay cả khi thành công rồi, anh vẫn còn trăn trở với nghề, với con người, với việc chọn không gian, chọn vật liệu, sợ lãng phí tiền của chủ nhà. Và trước khi nhận thiết kế một công trình nào, anh sẽ luôn đặt câu hỏi: "Có cần phải thiết kế không, đã đủ chưa, có ngụy biện gì không?"
Một cuốn sách đáng yêu
Tôi bị thu hút bởi cuốn sách thông qua đoạn giới thiệu, rất nghịch ngợm và đầy mơ hồ, nhưng cũng rất sâu sắc.
Từ lối viết, cách thiết kế, cuốn sách khiến tôi nhiều lần bật cười, có khi xúc động, có khi gật gù, và có khi thấy ồ woao.
Nó là một hành trình đầy gian nan của một người làm nghề tâm huyết, những khó khăn vất vả, đấu tranh, nhưng lại toát ra sự bình yên, thư giãn, đáng yêu, tinh nghịch.
Và cuối cùng nó lại giúp tôi soi chiếu lại bản thân, một lần nữa nhìn nhận lại mối quan hệ của mình với công việc và cuộc sống.
Vậy xin giới thiệu tới bạn cuốn sách này.