Tiên đề của Phật
13/01/2024
Trong triết lý của Đạo Phật, có một một tiên đề nền tảng, xuyên suốt được Đức Phật đưa ra là "Có một trạng thái hài lòng sâu sắc bên trong mỗi con người".
Từ tiền giả định này, có con đường nên đi là "tìm về" trạng thái đó. Lối đi này là một lối đi "ngược" với khuynh hướng chung của loài người là tìm kiếm những hài lòng từ thế giới bên ngoài.
Kể từ khi là một đứa trẻ trong bụng mẹ, nó đã phụ thuộc vào môi trường bên ngoài để sinh tồn. Đứa trẻ học cách tối đa hóa khả năng sinh tồn, bằng cách liên tục thử và sai, rồi ghi nhớ phương án tối ưu.
Phương án tối ưu là phương án mà mang lại sự hài lòng lớn hơn so với các phương án trước đó. Và quá trình này tự động, liên tục nhiều năm tới tuổi trưởng thành. Tới điểm bão hòa, sự tối ưu hóa mức tối đa, trong khi mức độ hài lòng trở nên rất thấp, tức là giai đoạn sau ít khi hài lòng hơn giai đoạn trước, sau nhiều thử nghiệm không có kết quả, con người trở nên hoang mang và mất phương hướng.
Như tiên đề nêu trên, quan điểm của Phật giáo cho rằng những khổ đau này là do con người đang nhầm đường khi tìm kiếm sự thỏa mãn lâu dài từ bên ngoài, khi nó chỉ có kết quả ngắn hạn. Con đường đúng đắn là đi tìm sự thỏa mãn từ bên trong con người mình.
Nhưng đây cũng là một hành trình khó khăn, bởi những thói quen của khuynh hướng tìm kiếm sự hài lòng từ bên ngoài rất mạnh mẽ, khiến ta khó kháng cự, dẫn ta đi đến hết sự thất vọng này đến sự thất vọng khác (nghiệp).
Chưa kể, việc hướng vào bên trong không phải là triệt tiêu việc hướng ra bên ngoài, mà nó là một cách tiếp cận khác, tạo ra một sự cân bằng động, một con đường giữa.
Hành trình này yêu cầu rất nhiều sự kiên nhẫn, dũng cảm và sáng suốt để chấp nhận và nhìn rõ toàn bộ những khổ đau và nguyên nhân của nó như cơ thể (thân tứ đại), tác động của môi trường (lục căn), cấu trúc tâm lý của con người (ngũ uẩn), quy luật thời gian (vô thường) và không gian (vô ngã) của tự nhiên, ... trong khi đó vẫn tiếp tục duy trì đời sống.
Trên cơ sở chấp nhận tiên đề trên, Phật giáo đề xuất các phương pháp để dừng những nguyên nhân gây khổ (giới - định - tuệ) và dần dần chấm dứt được khổ đau.
Và kết quả cuối cùng là một trạng thái "không khổ", gọi là "giác ngộ" hay "đắc đạo", ở trạng thái này, những vấn đề ở bên ngoài không thể làm khổ người giác ngộ được. Họ sống thản nhiên, vui vẻ, tự do trong dòng đời đầy biến động.
Cũng theo Đạo phật, người đạt được trạng thái "giác ngộ" được coi là rất hiếm hoi, nhưng những người đi trên con đường đến trạng thái này cũng đã bớt khổ đau hơn nhiều và có chất lượng đời sống cao trước đó.